Để chế biến được món ăn có một không hai này, trước hết phải yêu nghề, có yêu nghề mới bảo tồn được nghề của tổ tiên. Sau đó là đến khâu lựa chọn nguyên liệu, gia vị. Chủ hàng phải cẩn thận, tỉ mỉ, đặt riêng tất cả các loại nguyên liệu. Rau thơm đặt ở Láng, mắm tôm đặt Thanh Hóa (mà phải là loại mắm tôm làm từ moi tươi, không sạn cát, khi cho chanh vào đánh phải bông trắng, không nặng mùi), bún đặt ở Thanh Trì, lạc phải sẩy hết hạt lép, lựa toàn hạt mẩy.
Rồi cá quả to, ngon, tươi thịt mới mềm và không nát, lạng thịt từ hai bên sườn, thái mỏng ướp với nước riềng, nghệ, mẻ, hạt tiêu, nước mắm rồi kẹp vào cặp tre (không được dùng cặp sắt) nướng trên lò than hoa, quạt chả đều tay, sao cho cá chín vàng mà vẫn còn nước ngọt
Nước chấm pha vừa phải, không quá ngọt, quá mặn hoặc quá chua... Chả phải ăn nóng, kèm với bún hoặc bánh đa, ăn cùng với hành củ tươi chẻ nhỏ ngâm muối, thì là, lạc rang, rau thơm, mùi, và mắm tôm hoặc nước mắm. Người ăn có thể nhẩn nha nhấm nháp, vừa ăn vừa nhâm nhi ly rượu, cảm nhận từ từ hương vị đặc trưng có một không hai của món ăn lạ miệng này.
|